Các nhà khoa học tại Indonesia – một tâm dịch COVID-19 của châu Á đã thực hiện một nghiên cứu lâm sàng sử dụng tế bào gốc trung mô dây rốn (UCMSC) để tiêm tĩnh mạch như một liệu pháp hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 có diễn tiến nặng, và kết quả cho thấy đây là một liệu pháp “có tiềm năng” cho các bệnh nhân mắc COVD-19 nặng, giúp tăng tỉ lệ sống sót cao hơn đáng kể so với nhóm bệnh nhân không dùng UCMSC.
Được ghi nhận đầu tiên vào cuối năm 2019 đến hiện nay năm 2021, virus SARS CoV-2 đã tạo ra một đại dịch nghiêm trọng trên khắp thế giới. Virus không ngừng biến đổi và lan rộng, số ca nhiễm bệnh và tử vong do COVID-19 liên tục tăng, cuộc đua điều chế vaccine – được xem là cách tốt nhất để kiểm soát đại dịch đang cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Ngày càng có nhiều loại vaccine được đưa vào tiêm chủng rộng rãi, đồng thời nhiều loại vaccine khác đang được thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 3, mang đến cho chúng ta một viễn cảnh tươi đẹp hơn trong một bức tranh có phần ảm đảm trong hơn 2 năm qua. Tuy nhiên các vaccine hiện đang sử dụng cũng bộc lộ một số nhược điểm như người đã tiêm đủ liều như khuyến cáo vẫn có thể nhiễm bệnh và lây nhiễm cho người khác. Trong tình hình đó, việc chống lại sự lây nhiễm có thể không phải là cách khả dĩ trong bối cảnh càng có nhiều các nhà khoa học ủng hộ luận điểm chúng ta sẽ chung sống với virus này mãi về sau, cho đến khi nó trở nên yếu hơn và ít gây tử vong hơn. Do đó việc tìm kiếm nhiều phương pháp khác nhau là cần thiết để nhằm giảm số ca trở nặng hay chí ít là để bệnh nhân COVID-19 đang diễn tiến nặng có nhiều khả năng vượt qua cơn nguy kịch hơn.
Gần đây trong một nghiên cứu lâm sàng tại 4 bệnh viện ở thủ đô Jakarta, Indonesia, nơi đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do COVID-19 mang lại, là một trong những điểm nóng về số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại châu Á, các nhà khoa học đã sử dụng một liệu pháp mới trong hỗ trợ điều trị các ca bệnh COVID-19 diễn biến nặng. Theo đó, tế bào gốc trung mô dây rốn đã được sử dụng như một biện pháp hỗ trợ điều trị. Nghiên cứu được tiến hành trên 40 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng được chia ngẫu nhiên thành 2 nhóm: nhóm 1 gồm 20 bệnh nhân được truyền các tế bào UCMSC theo đường tĩnh mạch với liều 10^6 tế bào/kg trọng lượng cơ thể trong 100mL nước muối sinh lý (NaCl 0,9%), nhóm 2 (nhóm đối chứng) gồm 20 bệnh nhân được truyền chỉ 100mL nước muối sinh lý như nhóm 1 và không chứa UCMSC. Ngoài ra tất cả 40 bệnh nhân trên đều được điều trị như nhau với các phương pháp thường quy khác, điều kiện này để đảm bảo việc so sánh công bằng, khách quan về tỉ lệ sống sót hoặc tử vong giữa 2 nhóm trên là có sự tác động của việc dùng hay không dùng UCMSC trong điều trị, chứ không phải do các điều kiện hay nhân tố khác. Kết quả về tỉ lệ sống sót cho thấy sau nỗ lực điều trị thì nhóm 1 có 10 người sống sót, cao gấp 2,5 lần so với nhóm 2, chỉ có 4 người sống sót. Trong số đó, riêng nhóm những bệnh nhân có bệnh nền đi kèm nếu điều trị bằng UCMSC (nhóm 1) giúp tăng tỉ lệ sống thêm 4,5 lần so với không sử dụng hỗ trợ UCMSC (nhóm 2). Tất cả các bệnh nhân sử dụng UCMSC (được trộn với nước muối sinh lý để tiêm) đều không ghi nhận tác dụng phụ nào so với nhóm 2 không dùng UCMSC (chỉ sử dụng nước muối sinh lý để tiêm), so sánh này nhằm loại trừ tác dụng phụ nếu có của nước muối sinh lý đối với cơ thể bệnh nhân và nhằm chứng minh UCMSC an toàn trong tiêm truyền. Cơ sở khoa học của cách thức điều trị dùng UCMSC này xuất phát từ tính điều biến miễn dịch, giảm viêm của các tế bào gốc trung mô đối với cơ thể. Tuy nhiên cỡ mẫu của nghiên cứu này còn tương đối nhỏ nên cần thêm các nghiên cứu sâu rộng hơn để tìm ra cách sử dụng UCMSC hiệu quả nhất trong điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng.
Từ kết quả khả quan của nghiên cứu trên trong một nỗ lực nhằm cứu sống các bệnh nhân COVID-19 diễn tiến nặng, các tế bào gốc trung mô dây rốn nhỏ bé lại một lần nữa bộc lộ tiềm năng to lớn trong các vấn đề y tế mang tính khó khăn, phức tạp và thời sự. Điều này khiến chúng ta suy nghĩ về tiềm năng tự chữa lành của cơ thể trước những bệnh tật, phải chăng cơ thể chúng ta có đầy đủ khả năng chống lại mọi căn bệnh tưởng chừng không thể hoặc khó khăn trong điều trị, những khá năng đó đang nằm sâu trong cơ thể mỗi chúng ta, ẩn giấu trong chiếc chìa khóa tế bào gốc, đang chờ chúng ta từng bước khám phá.
Phan Tuấn Kiệt – Viện Tế Bào Gốc, ĐH KHTN, ĐHQG-HCM
Tổng hợp và lược dịch từ nghiên cứu: Ismail Hadisoebroto Dilogo, Dita Aditianingsih, Adhrie Sugiarto, Erlina Burhan, Triya Damayanti, Pompini Agustina Sitompul, Nina Mariana, Radiana D. Antarianto, Isabella Kurnia Liem, Tera Kispa, Fajar Mujadid, Novialdi Novialdi, Evah Luviah, Tri Kurniawati, Andri M.T. Lubis and Dina Rahmatika. Umbilical cord mesenchymal stromal cells as critical COVID-19 adjuvant therapy: A randomized controlled trial. HUMAN CLINICAL ARTICLE, Vol 10, issue 9 | https://doi.org/10.1002/sctm.21-0046
Leave a Reply