TTO – Mới đây, Bộ Y tế đã cho phép Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh được áp dụng chính thức kỹ thuật điều trị thoái hóa khớp bằng tế bào gốc mô mỡ tự thân và huyết tương giàu tiểu cầu. “Ứng dụng tế bào gốc (TBG) trong điều trị thoái hóa khớp gối – là công trình nghiên cứu phối hợp từ năm 2013-2016 giữa các đơn vị điều trị Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP.HCM), Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (TP.HCM) và Phòng thí nghiệm tế bào gốc ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.
Đây là phương pháp áp dụng TBG trung mô từ mô mỡ tự thân (lấy mô mỡ của chính người bệnh để tách chiết lấy TBG) tiêm vào khớp gối nhằm điều trị thoái hóa khớp.
Có 30 người bệnh thoái hóa khớp gối được điều trị, theo dõi đánh giá hiệu quả qua từng giai đoạn 6, 12 tháng, đang tiếp tục đến 18 tháng. Kết quả sau 12 tháng cho thấy người bệnh không bị đau khớp trở lại như phương pháp điều trị nội soi truyền thống, chức năng khớp được cải thiện, các lớp sụn dày hơn và tình trạng phù xương dưới sụn giảm. Tất cả các tổn thương xương dưới sụn đều phục hồi.
Nghiên cứu cũng cho thấy một số hạn chế: do là TBG tự thân của người bệnh nên không kiểm soát được số lượng, chất lượng TBG (người bệnh ốm quá khó có mỡ), nếu trường hợp thay đổi trục khớp nhiều sẽ giảm hiệu quả. Ở người bệnh lớn tuổi (trên 70 tuổi) chất lượng TBG cũng rất hạn chế…
Nghiên cứu “Ứng dụng TBG trong điều trị thoái hóa khớp gối” của các tác giả VN đã được chấp nhận công bố trên tạp chí quốc tế Stem Cells Translational Medicine ngày 28-7-2016, với quy trình bài bản, thực hiện nghiêm túc, có đối chiếu so sánh giữa phương pháp điều trị truyền thống là nội soi khớp gối và phương pháp TBG.
Người bệnh được chụp MRI để so sánh sự thay đổi của lớp sụn khớp và xương dưới sụn vào các thời điểm 6, 12, 18 tháng.
Đề tài đã được hội đồng khoa học Bộ Y tế nghiệm thu và qua thẩm định kết quả triển khai thí điểm, mới đây Bộ Y tế đã cho phép Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh được áp dụng chính thức kỹ thuật điều trị thoái hóa khớp bằng TBG mô mỡ tự thân và huyết tương giàu tiểu cầu.
Được biết hiện nay tại các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan… cũng đã áp dụng kỹ thuật này.
Mới đây, bệnh viện Vạn Hạnh (Quận 10, TP.HCM) đã trở thành đơn vị đầu tiên trong cả nước được Bộ Y tế cho phép thử nghiệm điều trị tiểu đường (đái tháo đường) type 1, bằng tế bào gốc. Đây là công trình hợp tác giữa bệnh viện Vạn Hạnh và PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc, trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP. HCM.
Ánh sáng xanh đang giúp mở ra những hiểu biết mới về con đường tín hiệu quan trọng trong quá trình phát triển phôi, duy trì mô và nguồn gốc ung thư. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Illinois Urbana-Champaign đã phát triển một phương pháp sử dụng ánh sáng xanh để kích hoạt đường truyền tín hiệu Wnt ở phôi ếch. Nhóm nghiên cứu cho biết, các con đường tín hiệu này có nhiều vai trò khác nhau đối với sự phát triển của động vật và con người, và khả năng điều chỉnh nó bằng ánh sáng sẽ cho phép các nhà nghiên cứu nghiên cứu tốt hơn các chức năng khác nhau của con đường tín hiệu này.
Con đường Wnt được kích hoạt bởi thụ thể trên bề mặt tế bào, kích hoạt phản ứng dây chuyền trong tế bào. GS. Zhang, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu cho biết, quá nhiều hoặc quá ít tín hiệu đều có thể gây tác động có hại, khiến việc nghiên cứu con đường tín hiệu này gặp khó khăn khi phải sử dụng các kỹ thuật thông thường để kích thích các thụ thể trên bề mặt tế bào.
Hình . Các nhà nghiên cứu Illinois đã phát triển một phương pháp làm cho các thụ thể liên kết màng phản ứng với ánh sáng, kích hoạt con đường Wnt, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển phôi thai và ung thư. Hình ảnh do Kai Zhang cung cấp.
“Trong quá trình phát triển phôi thai, Wnt điều chỉnh sự phát triển của nhiều cơ quan như đầu, tủy sống và mắt. Tín hiệu Wnt cũng duy trì tế bào gốc trong nhiều mô ở người trưởng thành: Trong khi tín hiệu Wnt không đủ mạnh dẫn đến việc sửa chữa mô không thành công, tín hiệu Wnt tăng cao có thể dẫn đến ung thư. GS. Zang cho hay rất khó đạt được sự cân bằng cần thiết với các phương pháp tiếp cận tiêu chuẩn để điều chỉnh các con đường như vậy, chẳng hạn như kích thích hóa học. Để giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã thiết kế protein thụ thể để phản ứng với ánh sáng xanh. Với cách tiếp cận này, họ có thể tinh chỉnh mức Wnt bằng cách điều chỉnh cường độ và thời lượng của ánh sáng.
“Ánh sáng như một chiến lược điều trị đã được sử dụng trong liệu pháp quang động, với ưu điểm là tính tương thích sinh học cao và không có tác dụng phụ ở vùng tiếp xúc. Tuy nhiên, hầu hết các liệu pháp quang động thường sử dụng ánh sáng để tạo ra các hóa chất năng lượng cao – ví dụ, các loại oxy phản ứng – mà không phân biệt giữa các mô bình thường và mô bệnh, nên không thể nhắm đích trong điều trị” Zhang nói. “Trong công trình nghiên cứu của mình, chúng tôi đã chứng minh rằng ánh sáng xanh có thể kích hoạt một đường truyền tín hiệu trong các khoang cơ thể khác nhau của phôi ếch. Chúng tôi hình dung rằng một sự kích thích được xác định về mặt không gian đối với các chức năng của tế bào có thể giảm thiểu những tác dụng phụ không mong muốn.”
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật kích thích ánh sáng xanh để thúc đẩy sự phát triển tủy sống và đầu trong phôi ếch. Họ cho rằng kỹ thuật này cũng có thể được áp dụng cho các thụ thể trên màng khác, khắc phục tình trạng trở ngại trong việc kích thích trúng đích các thụ thể mục tiêu như trước đây, cũng như các động vật khác có chung con đường Wnt, cho phép hiểu rõ hơn về cách những con đường này kiểm soát sự phát triển – và điều gì sẽ xảy ra khi chúng kết thúc – hoặc không được kích thích.
Các nhà nghiên cứu cũng hy vọng kỹ thuật dựa trên ánh sáng xanh dùng để nghiên cứu con đường tín hiệu Wnt có thể giúp hiểu rõ quá trình sửa chữa mô và nghiên cứu ung thư trên người. Bởi vì ung thư thường liên quan đến tín hiệu được kích hoạt quá mức, bằng cách sử dụng một chất có vai trò là yếu tố kích thích Wnt, đồng thời chất này có tính chất nhạy cảm với ánh sáng xanh, thông qua đó có thể kích hoạt Wnt một cách có kiểm soát để nghiên cứu sự tiến triển của ung thư trong các tế bào sống. Từ đó có thể xác định ngưỡng tín hiệu có thể biến đổi một tế bào bình thường thành một tế bào ung thư, cung cấp dữ liệu cho sự phát triển liệu pháp cụ thể theo mục tiêu trong y học chính xác trong tương lai.”
Nguyễn Trường Sinh – Viện Tế bào gốc, ĐH KHTN, ĐHQG Tp HCM
Tài liệu tham khảo: “Optogenetic Control of the Canonical Wnt Signaling Pathway During Xenopus laevis Embryonic Development” by Vishnu V. Krishnamurthy, Hyojeong Hwang, Jia Fu, Jing Yang and Kai Zhang, 19 May 2021, Journal of Molecular Biology. DOI: 10.1016/j.jmb.2021.167050
Tắt nghẽn mạch máu là một bệnh thường gặp; nó có thể xảy ra ở nhiều mô cơ quan từ chi đến tim, đến não mà có thể gây các bệnh nghiêm trọng như thiếu máu cơ chi, đột quỵ, nhồi máu cơ tim… Mới đây, nghiên cứu của PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp.HCM đã sử dụng các túi tiết từ tế bào tiền thân nội mô để điều trị bệnh tắt nghẽn này trên mô hình chuột thiếu máu.
Hình. Kết quả điều trị chuột thiếu máu bằng EVs từ tế bào tiền thân nội mô tái thiết lập chương trình trực tiếp.
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã tái thiết lập trực tiếp tế bào sợi thành tế bào tiền thân nội mô bằng cách chuyển gen ETV-2. Sau khi chuyển gen các tế bào sợi mang gen ETV-2 đã chuyển thành tế bào tiền thân nội mô. Những tế bào tiền thân mô này tiếp tục được sử dụng tăng sinh để sản xuất các túi tiết (Extracellular vesicles – EVs). Các EVs được thu nhận để điều trị trên chuột thiếu máu chi cấp tính.
Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng EVs có thể cảm ứng tế bào nội mô tại chỗ của chuột in vitro, và đặc biệt cải thiện đáng kể quá trình hình thành mạch mới ở chuột tắt mạch máu chi, làm tăng đáng kể chuột được điều trị thành công.
Toàn bộ kết quả này công bố trên tạp chí quốc tế uy tín trong lĩnh vực công nghệ tế bào Cytotechnology.
Kết quả này hứa hẹn một liệu pháp mới không sử dụng tế bào nguyên vẹn trong điều trị bệnh, đó là các EVs. Việc sử dụng các EVs có tính an toàn cao hơn so với dùng tế bào nguyên vẹn.Thông tin từ nhóm nghiên cứu, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu sản xuất EVs với tiêu chuẩn lâm sàng và hứa hẹn sử dụng trong thử nghiệm lâm sàng trong thời gian tới.
Thật vậy, EVs là những túi do tế bào sản xuất và tiết ra bên ngoài tế bào. Những túi này chứa cả RNA, DNA và protein. Các thông tin chứa trong EVs có thể gây nên các hoạt tính sinh học khác nhau của tế bào nhận.
Tài liệu tham khảo:
Van Pham, P., Vu, N. B., Dao, T. T. T., Le, H. T. N., Phi, L. T., Huynh, O. T., … & Phan, N. K. Extracellular vesicles of ETV2 transfected fibroblasts stimulate endothelial cells and improve neovascularization in a murine model of hindlimb ischemia. Cytotechnology, 1-14.